Bệnh gút là gì? Nguyên nhân và biểu hiện đặc trưng

Bệnh Gút (Gout) là gì?

Gút là một dạng viêm khớp phức tạp và rất thường gặp. Nó có thể xảy ra ở bất cứ ai, đặc trưng bởi cơn đau đột ngột, sưng, đỏ và tăng cảm ở các khớp, thường là khớp bàn – ngón chân cái.

Đợt gút cấp có thể xảy ra đột ngột, thường đánh thức bạn dậy vào giữa đêm với cảm giác đau và nóng rát ở ngón chân cái. Các khớp bị ảnh hưởng thường sưng lên, nóng, đỏ, và rất nhạy cảm, dù chạm nhẹ cũng rất đau.

Triệu chứng

Các triệu chứng của bệnh gút hầu như luôn luôn xảy ra đột ngột và thường vào ban đêm. Chúng bao gồm:

Đau khớp dữ dội. Bệnh gút thường ảnh hưởng đến khớp lớn của ngón chân cái, nhưng nó cũng có thể xảy ra trong bất kỳ khớp nào. Các khớp khác thường bị ảnh hưởng bao gồm mắt cá chân, gối, khuỷu tay, cổ tay và ngón tay. Đau thường nặng nhất trong vòng 4 đến 12 giờ đầu sau khi triệu chứng bắt đầu.

Khó chịu kéo dài. Sau khi cơn đau nhất đã thuyên giảm, cảm giác khó chịu ở khớp có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Các đợt gút sau thường kéo dài hơn và ảnh hưởng đến nhiều khớp hơn.

Khớp viêm và đỏ. Các khớp bị tổn thương sưng, nóng, đỏ và rất nhạy cảm.

Giới hạn vận động. Khi bệnh gút tiến triển, tầm vận động của khớp có thể bị ảnh hưởng.

Khi nào cần gặp bác sĩ

Nếu bạn trải qua cơn đau khớp đột ngột, dữ dội, hãy đến gặp bác sĩ. Bệnh gút không được điều trị có thể dẫn đến tình trạng đau nặng hơn và tổn thương khớp.

Hãy đến gặp bác sĩ nhanh chóng nếu bạn bị sốt, khớp nóng và sưng tấy, đó có thể là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng.

Nguyên nhân

Bệnh gút xảy ra khi tinh thể urat tích tụ trong khớp, gây viêm và đau. Tinh thể urat có thể hình thành khi bạn có nồng độ acid uric trong máu cao.

Cơ thể bạn sản xuất acid uric khi nó phân hủy purine – chất được tìm thấy tự nhiên trong cơ thể bạn.

Purine cũng được tìm thấy trong một số thực phẩm nhất định, như thịt bò, nội tạng và hải sản. Các loại thực phẩm khác cũng làm tăng lượng acid uric, như đồ uống có cồn, đặc biệt là bia, và đồ uống làm ngọt bằng đường fructose.

Bình thường, acid uric hòa tan trong máu của bạn, đi qua thận và được lọc ra ngoài qua nước tiểu. Nhưng đôi khi cơ thể của bạn sản xuất quá nhiều acid uric hoặc thận của bạn thải ra quá ít acid uric. Khi điều này xảy ra, acid uric có thể tích tụ, hình thành các tinh thể urat sắc nhọn, giống đầu kim trong khớp hoặc mô xung quanh, gây viêm, đau và sưng.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút?

Bên cạnh nguyên nhân chính gây ra bệnh gout là ăn nhiều thực phẩm chứa purine, còn rất nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh, như:

Chế độ ăn quá nhiều đạm và hải sản;

Tuổi tác và giới tính. Bệnh xuất hiện nhiều hơn ở nam giới và người lớn tuổi

Uống nhiều bia trong thời gian dài;

Béo phì;

Có người nhà từng bị gút. Nếu bạn có người thân trong gia đình mắc bệnh gout, bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh này.

Mới bị chấn thương hoặc mới phẫu thuật.

Tăng cân quá mức;

Tăng huyết áp;

Chức năng thận bất thường;

Sử dụng một số loại thuốc nhất định. Một số loại thuốc bạn đang dùng có thể là nguyên nhân làm tích tụ axit uric trong thể, chẳng hạn như:

Aspirin. Thuốc giảm đau này sẽ làm tăng nguy cơ tích tụ axit uric nếu bạn uống thường xuyên 1-2 viên mỗi ngày.

Thuốc lợi tiểu

Thuốc hóa trị liệu

Các loại thuốc có thể làm giảm hệ miễn dịch như cyclosporine.

Tiền sử mắc một số bệnh nhu tiểu đường, suy giảm chức năng thận, bệnh tim, xơ vữa động mạch, tắc nghẽn mạch máu, bệnh truyền nhiễm, huyết áp cao.

Mất nước. Nếu thiếu nước, cơ thể khó loại bỏ axit uric qua nước tiểu, do đó làm tăng lượng axit uric trong cơ thể.

Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

Website: https://chatdocdacam.vn/benh-gut-la-gi-trieu-chung-nguyen-nhan-va-cach-chua-khoi.html