Bệnh tổ đỉa là gì? Có những triệu chứng điển hình nào
Bệnh tổ đỉa là gì?
Bệnh tổ đỉa hay còn gọi là chàm tổ đỉa là một dạng của bệnh chàm- Eczema. Bệnh thuộc thể viêm da mãn tính, bởi các dấu hiệu nhận biết đặc trưng là nổi mụn nước sâu ở lòng bàn tay, bàn chân gây ngứa ngứa ngáy, khó chịu.
Bệnh tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhưng thường kéo dài dai dẳng, hay tái lại nhiều lần làm ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa
Từ các nghiên cứu cho thấy hiện nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây nên bệnh tổ đỉa. Theo các chuyên gia, bệnh có thể khởi phát do yếu tố di truyền, liên quan đến sự rối loạn chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể và hệ thần kinh.
Ngoài ra, bệnh tổ đỉa còn bùng phát bởi một số nguyên nhân như:
Người bị dị ứng cơ địa: Có hơn 50% ca bệnh tổ đỉa có tiền sử mắc các bệnh về da liễu như viêm da tiếp xúc, dị ứng cơ địa, nổi mề đay mẩn ngứa, hen suyễn, viêm mũi dị ứng,…
Dị ứng thuốc và hóa chất: Đây là trong các trường hợp rủi ro khiến bệnh tổ đỉa khởi phát. Khi bị kích ứng bởi thuốc hay hóa chất, lúc này hệ miễn dịch sẽ có xu hướng giải phóng Histamin và lgE dưới da.
Từ đó, gây ra các triệu chứng của bệnh tổ đỉa. Thông thường các trường hợp bị dị ứng với hóa chất độc hại sẽ có biểu hiện nổi mụn nước lớn hơn bình thường.
Vi khuẩn đường ruột, liên cầu khuẩn: Bệnh tổ đỉa khởi phát khi cơ thể bị nhiễm trùng bởi liên cầu khuẩn và vi khuẩn đường ruột. Ngoài ra, đây cũng là nguyên nhân gây ra một số bệnh da liễu khác.
Ảnh hưởng tâm lý, thể chất suy giảm: Sức đề kháng bị suy giảm, tâm trạng căng thẳng trong thời gian dài là một trong những yếu tố thuận lợi khiến bệnh tổ đỉa bùng phát. Đối với những người có thể trạng tốt, tỷ lệ bệnh khởi phát sẽ thấp hơn, và tình trạng da bị tổn thương cũng sẽ nhẹ hơn.
Ngoài ra, những người hay bị tiết mồ hôi tay, chân, hay bị nấm kẽ chân sẽ có nguy cơ mắc bệnh lý này cao hơn so với người bình thường.
Các triệu chứng của bệnh tổ đỉa
Bệnh tổ đỉa thường sẽ có các triệu chứng nhận biết như sau:
Nổi các mụn nước sâu bên trong da và được bao bọc bởi lớp da dày, cứng rất khó vỡ.
Những mụn nước này thường nổi rải rác hoặc mọc thành từng cụm tập trung ở kẻ tay, kẻ chân, thông thường mụn nước có đường kính từ 1-2mm.
Mụn nước do bệnh tổ đỉa sẽ không tự vỡ mà tiêu biến sau vài tuần điều trị.
Sau khi mụn nước biến mất, khu vực da bị tổn thương sẽ xuất hiện lớp sừng dày màu vàng. Khi lớp da này bong ra thường để lại lớp da màu hồng, viền vằn và bóng nhẵn.
Các tổn thương do bệnh chàm tổ đỉa gây ngứa ngáy dữ dội, khi gãi mạnh sẽ gây sưng tấy, nổi mụn mủ, sốt, sưng hạch, quầng viêm đỏ,…
Thông thường bệnh sẽ khởi phát tập trung ở lòng bàn tay, bàn chân. Nhưng cũng có thể xuất hiện ở mặt, đầu ngón chân, ngón tay, dưới ngón tay, và tỷ lệ triệu chứng xuất hiện ở cổ chân, cổ tay là rất thấp.
Các triệu chứng của bệnh tổ đỉa thường bùng phát thành từng đợt, bệnh sẽ nặng hơn vào mùa hè và sẽ thuyên giảm vào mùa đông.
Bệnh tổ đỉa có nguy hiểm không?
Bệnh tổ đỉa tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nhưng bệnh gây tổn thương da và có xu hướng tái lại nhiều lần, kèm theo các triệu chứng ngứa ngáy dữ dội ảnh hưởng đến giấc ngủ, sinh hoạt của người bệnh.
Trường hợp bệnh không được kiểm soát kịp thời và chăm sóc da không đúng cách, thường xuyên gãi mạnh, cào mạnh sẽ gây ra một số biến chứng:
Bị nhiễm trùng: Những mụn nước tuy nằm sâu bên trong da, khó vỡ nhưng nếu bệnh nhân cào gãi mạnh sẽ gây vỡ và chảy dịch có thể gây nhiễm trùng. Khi bị nhiễm trùng sẽ khiến da sưng tấy, viêm đỏ, nổi các mụn mủ, nóng rát,…Nếu không kiểm soát kịp thời sẽ phát sinh biến chứng nặng hơn.
Móng bị biến dạng: Người bị tổ đỉa ở ngón tay, ngón chân có nguy cơ gây biến dạng móng, nứt nẻ và khô ráp.
Tác động đến tâm lý: Các triệu chứng của bệnh có thể tác động ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh, khiến người bệnh mất tự tin, e ngại giao tiếp vì da nổi mụn nước. Ngoài tổn thương da, bệnh tổ đỉa còn gây ngứa ngáy, đau rát. Hiện tượng này kéo dài sẽ khiến người bệnh mệt mỏi, lo lắng, bứt rứt.
Bệnh tổ đỉa tốn nhiều thời gian điều trị và thường xuyên tái lại nhưng không có khả năng lây từ người bệnh. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý, những trường hợp bệnh tổ đỉa nhiễm khuẩn, lúc này vi khuẩn sẽ gây nhiễm trùng có thể lây qua đường tiếp xúc vật lý.
Website: https://chatdocdacam.vn/benh-to-dia-la-gi-nguyen-nhan-trieu-chung-cach-chua-bang-giam.html