Các nguyên nhân biểu hiện ở bệnh viêm loét dạ dày
Bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng (VLDD-TT) là bệnh khá phổ biến ở nước ta và trên thế giới. Là tình trạng xuất hiện ổ loét do phá hủy lớp niêm mạc dạ dày – hành tá tràng, xuống đến lớp dưới niêm, lớp cơ và có khi đến lớp thanh mạc làm thủng dạ dày hoặc tá tá tràng.
Nguyên nhân:
Do sự mất cân bằng giữa yếu tố bảo vệ dạ dày và yếu tố gây loét:
Dạ dày tiết ra chất nhầy để bảo vệ niêm mạc và tiết ra dịch vị để tiêu hóa thức ăn và dịch vị cũng có khả năng bào mòn niêm mạc dạ dày. Hai yếu tố này luôn cân bằng nhau. Những nguyên nhân gây suy yếu sự bảo vệ niêm mạch dạ dày, như:
- Người có cơ địa thần kinh hay lo lắng quá mức làm tăng tiết quá nhiều dịch vị;
- Ăn không đúng giờ: theo chu kỳ của cơ thể cứ đến giờ sáng, trưa, chiều là dạ dày sẽ tăng tiết rất nhiều dịch vị để chuẩn bị khi thức ăn ăn vào sẽ được tiêu hóa dễ dàng. Nếu không ăn đúng giờ, lượng dịch vị sẽ thừa ra và tồn tại lâu trong dạ dày, nói vui nhưng như là thật “vì không thức ăn để tiêu hóa thì dịch vị sẽ tiêu hóa chính cái dạ dày mình vậy” do đó làm đau dạ dày;
- Uống nhiều thuốc như Aspirine, nhóm thuốc kháng viêm không Steroide như Ibuprofen, diclofenac, Voltaren hoặc nhóm thuốc Corticide… làm suy giảm sự tiết chất nhày bảo vệ niêm mạc dạ dày;
- Lạm dụng rượu bia, thuốc lá hoặc ăn nhiều chất chua cay…vv.
Do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) là loại xoắn khuẩn thường cư trú trong dạ dày mọi người, tỉ lệ nhiễm HP ở nước ta khá cao khoảng 40% dân số, nhưng vi khuẩn HP muốn gây được bệnh VLDD-TT cũng phải cần có những điều kiện là niêm mạc dạ dày bị suy yếu trước. HP được tìm thấy khoảng 70% ở các ổ loét dạ dày – tá tràng.
Dấu hiệu viêm loét dạ dày – tá tràng:
- Thường đau vùng thượng vị (vùng dưới mũi xương ức- trên rốn) theo chu kỳ ăn uống:
- Có lúc đau khi đói, có lúc đau sau khi ăn vào vài giờ, có lúc đau gần sáng, phải ăn chút gì thì dịu cơn đau, đau âm ỉ hoặc đau dữ dội. Khoảng 5% trường hợp loét dạ dày mà không đau (loét câm.
- Có cảm giác chướng bụng, khó tiêu sau khi ăn, có khi ợ nóng, ợ chua, nóng rát.
- Chẩn đoán xác định bằng nội soi để nhìn thấy ổ loét, lấy mẫu làm sinh thiết tìm HP, tìm tế bào ung thư hoặc làm CLO test hoặc có thể xét nghiệm máu tìm kháng thể kháng HP.
Biến chứng:
- Xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày – tá tràng phải phẫu thuật khẩn cấp; Thủng rò sang các tạng xung quanh tạo ra bệnh cảnh phức tạp; Hẹp môn vị phải phẫu thuật; Ung thư hóa.
Phòng bệnh:
- Bệnh VLDD - TT chủ yếu do vi khuẩn HP, vi khuẩn này lây theo đường ăn uống mà chuyên môn thường gọi là lây theo đường “phân - miệng”. Vì vậy, ăn uống hợp vệ sinh là khâu quan trọng hàng đầu.
- Trong gia đình khi có người bị VLDD - TT có HP thì dùng bát, đũa, cốc, chén riêng hoặc phải nhúng vào nước đun sôi sau khi đã rửa sạch. Và nếu có thể cùng đi khám bệnh để điều trị cùng lúc những người có nhiễm HP.
- Cần bỏ thói quen mớm cơm cho trẻ, dùng miệng thổi nguội thức ăn của trẻ, rất dễ dàng làm lây bệnh cho trẻ. Dùng muỗng, đũa riêng để lấy thức ăn trong bữa ăn.
- Quản lý chất thải, phân: đi vệ sinh trong nhà tiêu, phân trẻ em đi cầu trong bô và đổ vào nhà tiêu.
- Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, dùng nước sạch, thực hiện tốt khâu VSATTP.
- Không tự mua thuốc aspirin, corticoid, nhóm thuốc kháng viêm không-steroid (thuốc điều trị khớp) để tự điều trị; không lạm dụng rượu bia và thuốc lá, không ăn quá chua cay và tránh căng thẳng thần kinh./.
Website: https://chatdocdacam.vn/viem-loet-da-day-la-gi-co-nguy-hiem-khong-trieu-chung-va-dieu-tri.html