Những biểu hiện đặc trưng của bệnh zona thần kinh

BỆNH ZONA THẦN KINH LÀ GÌ?

Bệnh Zona thần kinh là một dạng bệnh lý do virus Varicella Zoster gây ra, bệnh thường phát sinh ở những người đã từng bị thủy đậu trước đó. Bởi khi người bệnh mắc thủy đậu, virus không bị tiêu diệt hoàn toàn mà vẫn ẩn trong các tế bào thần kinh. Sau một thời gian dài trú ẩn, tùy cơ địa của mỗi người, chúng sẽ tái hoạt động và gây ra bệnh Zona thần kinh.

Thông thường, số người mắc bệnh Zona thần kinh hàng năm không cao, chỉ khoảng 1,2 – 3,4 ca/1.000 người, tuy nhiên càng lớn tuổi thì tỷ lệ này càng tăng. Bệnh tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời và áp dụng đúng cách.

Khi mắc bệnh Zona thần kinh, cơ thể thường cảm thấy mệt mỏi, sức đề kháng giảm, có cảm giác đau rát rất khó chịu. Bệnh có xu hướng phát sinh đột ngột nên khiến nhiều người không đề phòng. Khi khởi phát, bệnh có biểu hiện: đau thần kinh ngoại biên khoảng ba ngày, sưng hạch bạch huyết, xuất hiện mẩn đỏ trên da,…

BIỂU HIỆN ĐẶC TRƯNG CỦA BỆNH ZONA THẦN KINH

Bệnh Zona thần kinh thường xảy ra khi sức đề kháng, khả năng miễn dịch của cơ thể suy giảm do cơ địa, sức khỏe người bệnh (cảm sốt, mệt mỏi, stress, bệnh tật,…). Bệnh xảy ra nhiều ở những người lớn tuổi, thường từ 30 tuổi trở lên, với các trường hợp trẻ từ 15 tuổi trở xuống rất hiếm khi xảy ra, lúc này các bé dễ mắc thủy đậu.

Trên thực tế, nhiều người vẫn thường nhầm bệnh Zona thần kinh với một số bệnh lý viêm nhiễm khác như bệnh giời leo, kiến ba khoang cắn, bệnh viêm da, phát ban,… Tuy nhiên, nếu biết các biểu hiện đặc trưng của bệnh, người bệnh vẫn có thể phân biệt tương đối chính xác:

Người bị Zona thần kinh ban đầu thường có cảm giác đau nhẹ, đau rát tại vị trí bắt đầu xuất hiện mẩn đỏ. Nếu bệnh trở nặng sẽ gây ra những cơn đau nhói như dao đâm, ngứa ngáy rất khó chịu, đau sẽ biến mất sau khi phát ban, tuy nhiên bệnh vẫn chưa được chữa lành nếu không có biện pháp điều trị sớm.

Vùng da nhiễm bệnh bị phát ban màu hơi đỏ, bệnh nhân có cảm giác bỏng rát, khu vực bị nổi mẩn trên da đau nhức, ngứa ngáy rất khó chịu.

Xuất hiện các hạt nhỏ (mụn nước) liên kết lại với nhau thành từng vỉ mủ, theo thời gian chúng sẽ tự vỡ ra và bắt đầu chảy nước, có thể để lại sẹo trên da.

Ở những người trẻ tuổi, mụn nước sẽ biến mất sau 7 – 10 ngày hoặc vài tuần, với một số người cao tuổi, các mụn nước có thể tồn tại tới vài tháng hoặc không biến mất hẳn, để lại sẹo trên da.

Đối với bệnh nhân bị bệnh bạch cầu (khi khả năng miễn dịch lympho giảm đáng kể), tình trạng phát ban không chỉ xảy ra cục bộ mà còn có thể hình thành trên diện rộng dưới dạng mụn nước, dễ phát sinh biến chứng.

LỜI KHUYÊN DÀNH CHO NGƯỜI BỆNH

Trong khi đang bị bệnh, bệnh nhân vẫn tắm rửa bình thường, giữ vùng da bị tổn thương sạch sẽ khô ráo. Mặc quần áo rộng để tránh cọ phải vết thương khiến vết thương bị vỡ và lây lan. Tránh tiếp xúc da - da với những người chưa từng bị thủy đậu, đang bệnh hoặc những người bị suy giảm miễn dịch. Không được gãi vì có thể làm gia tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn thứ phát và có thể để lại sẹo.

Dùng băng ép ngâm nước lạnh băng vào vùng da tổn thương rỉ mủ khoảng 7, 8 lần/ngày, mỗi lần trong khoảng 20 phút để làm dịu bớt cơn đau và làm khô vết thương. Nó còn giúp lấy bớt vảy ra ngoài và giảm khả năng bội nhiễm. Ngưng sử dụng băng ép khi tổn thương da đã khô giúp cho những vùng da xung quanh không trở nên khô và ngứa.

Tuyệt đối không được đắp đỗ xanh, gạo nếp hoặc các lá thuốc nam, ngậm rồi phun một loại chất lỏng lên tổn thương da. Làm như vậy không chữa được bệnh mà còn gây tăng nguy cơ bội nhiễm da, gây loét, kích ứng da... Cần uống tất cả những loại thuốc được kê đơn và làm theo đúng hướng dẫn. Khi thấy những triệu chứng mới hoặc không thể kiểm soát được cơn đau hoặc cơn ngứa, cần đến khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.

Chi tiết: https://chatdocdacam.vn/benh-zona-than-kinh-la-gi-nguyen-nhan-trieu-chung-hinh-anh-va-cach-dieu-tri.html